Coffee Talk: Trần Thiện Khiêm - Từ Việt Nam đến GAFA

<- Quay về trang chủ

Đến hẹn lại lên, cũng tròn 2 năm kể từ bài Coffee Talk lần trước, hôm nay mình mời được anh Trần Thiện Khiêm, một nhân vật cũng khá nổi tiếng và sôi nổi để cùng trò chuyện về chủ đề mà rất nhiều bạn quan tâm: Đó là sống và làm việc ở nước ngoài.

Huy: Hello a Khiêm, cảm ơn anh đã dành thời gian để ngồi chém gió với em hôm nay. A với e thì nhẵn mặt nhau rồi, trên mạng thì a cũng khá là nổi rồi, nhưng cho bạn nào chưa biết, thì a có thể giới thiệu một tí về mình được ko?

Khiêm: Chào Huy và các bạn, anh là Khiêm, một lập trình viên đến từ Đà Nẵng, hiện tại đang làm việc tại Canada. Mình đã làm khá nhiều công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Gameloft, Clearpath, Visa, Amazon và hiện tại đang làm việc tại Facebook được vài tháng rồi. Rất vui được nói chuyện trao đổi với Huy. 😃

Huy: Hình như đến thời điểm này, Gameloft là công ty anh gắn bó lâu nhất. Sau đó thì xuất ngoại vào Visa luôn. Có vẻ là một bước thay đổi khá lớn cả về công việc lẫn cuộc sống, anh có thể chia sẻ một chút về quyết định này không?

Khiêm: Trước khi sang VISA Singapore thì mình có làm cho công ty thiên đường Clear Path 2 năm ở vị trí .NET Architect. Mình chưa từng nghĩ sẽ ra nước ngoài làm việc, nhưng khi mấy đứa như Huy Trần đi Mỹ làm mình cũng sốt ruột lắm. Quyết định đi qua Singapore của mình khá bất ngờ và cũng là thay đổi khá lớn vì tại thời điểm đó mình vừa có em bé được 3 tháng tuổi. Cũng khá tình cờ, vì mình nhận được thư mời tham gia sự kiện tuyển dụng của Grab ở trong Sài Gòn, mình thử sức và có offer luôn. Khi có offer của Grab rồi mình cũng tham gia phỏng vấn thử mấy chỗ và có thêm 2 offer nữa, 1 ở Florida và 1 của VISA. Cuối cùng mình chọn VISA vì duyên. Tại thời điểm đó nếu mình chọn Mỹ thì khá rủi ro do việc xin visa H1B rất hên xui. Còn offer ở Grab thì không tốt bằng offer của VISA.

Huy: Ồ, thật ra thì em nhìn thấy anh và bạn bè quanh mình toàn là vô làm big firm thì em cũng sốt ruột y vậy đó. :v Đùa vui tí, thế từ khi đi ra ngoài thì góc nhìn về cuộc sống, công việc, hay career path của anh có thay đổi gì không?

Khiêm: Lúc mình xác định sang Singapore làm việc thì mình rất lo lắng, nên mình định hướng lại là phải “sống sót” trước đã chứ không có tham vọng nhiều như hồi ở VN, mình coi như là một khởi đầu mới, bắt đầu lại từ đầu. Sau một thời gian làm việc thì mình mới bắt đầu tự tin hơn và đặt mục tiêu cao hơn.

Còn về cuộc sống thì rõ ràng đi một ngày đàng học một sàng khôn, ở nhiều nơi, biết nhiều thứ mà nếu ở VN thì mình sẽ không biết được, nhưng nhiều lúc cũng nhớ VN kinh khủng.

Huy: Anh mất bao lâu để "sống sót" trước khi chuyển qua chế độ đặt mục tiêu cao hơn? Anh thấy môi trường làm việc ở Sing có gì khác so với ở Việt Nam không? Và so với môi trường Canada/Mỹ sau này thì như thế nào?

Khiêm: Cũng phải vài tháng để mình làm quen với môi trường làm việc ở Singapore. Vấn đề của mình không phải là cách làm việc hay kỹ thuật, mà do mình bị thiếu tự tin. Mình cảm thấy tự ti vì xuất phát điểm của mình so với đồng nghiệp, khả năng tiếng Anh và giao tiếp không bằng họ, và cứ có cảm giác sợ hãi rằng mình không được giỏi bằng người khác, sợ bị đánh giá, sợ nói sai, v.v..

Sau khi mình vào dự án và đóng góp nhiều thì mình mới cảm thấy tự tin hơn và cảm giác mình sẽ làm được nhiều hơn.

Môi trường làm việc ở Singapore khá trẻ trung, năng động, thoải mái, công việc cũng không quá căng thẳng, công ty tập trung vào việc cân bằng đời sống cho anh em. Lương khá cao và thuế thấp so với Mỹ và Canada. Lần đầu tiên nhận lương ở Canada mình bị shock mất 1 tuần mới tỉnh lại 🙁

Ở Canada thì đời sống khá thoải mái, gần gũi với thiên nhiên, có điều kiện đi ô tô, đi chơi xả láng mà không lo lắng gì. Ngoài ra thời tiết ở Canada rất tuyệt vời nữa. Môi trường làm việc thì cũng giống ở Singapore.

Huy: Khi quyết định “tiến thêm bước nữa” sang Canada thì anh có phải đối mặt với đắn đo suy nghĩ gì không? Hay là nghĩ đã đi được rồi thì cứ đi thêm thôi? Trong suốt thời gian ở Sing thì có khi nào anh nghĩ sẽ về lại Việt Nam để làm không? Giờ làm ở Canada thì anh có định về không?

Khiêm: Lúc đó mình nghĩ đơn giản có cơ hội thì đi thôi. Vì nếu về lại Singapore thì cũng khá đơn giản, nhưng cơ hội sang bên này thì khó hơn, nên đúng là cứ nghĩ đã đi thì đi. Thêm một lý do nữa là ở Singapore không có điều kiện để định cư do Singapore không có chính sách cho nhập tịch. Lúc mình làm ở Singapore thì mình cũng có nhiều đề nghị về lại VN làm và mình thỉnh thoảng cũng nghĩ tới chuyện sau này sẽ về VN. Nhưng trước mắt thì mình không có dự định gì quá xa, ở Canada cũng khá thích và bây giờ mình cũng đã ổn định nhà cửa rồi, di chuyển cả gia đình cũng khó lắm.

Huy: Uhm cái này thì cũng công nhận. Thôi giờ chuyển chủ đề một tí nhé. Nói về chuyện đi làm ở big firm đi. Giờ mà hỏi lương thì chắc anh ko nói đâu, nhưng anh có thể nói qua một tí về một gói benefit + lương thưởng điển hình ở mấy công ty kiểu này được không? Ví dụ như là lương tháng nhiêu chế độ bảo hiểm, stock này kia?

Khiêm: Mình thấy thích nhất là việc được hỗ trợ chuyển vùng (từ VN sang Singapore và từ Singapore sang Canada). Mình được bao từ vé máy bay, khách sạn, giới thiệu cuộc sống ở thành phố mới và cả container chuyển đồ đi nữa (có thể chuyển tất cả các đồ đạc trong nhà qua chỗ mới luôn).

Thu nhập hàng năm thì bao gồm lương cơ bản, cổ phiếu và thưởng (thường được tính theo mục tiêu bao nhiêu phần trăm, ví dụ 15% của lương cơ bản, nếu năm đó làm tốt có thể đạt được 200% mục tiêu đó).

Riêng phần cổ phiếu sẽ được chia ra trong nhiều năm, và đây là phần thu nhập lâu dài giúp mình gắn bó với công ty.

Về các chế độ khác thì tuỳ công ty, ví dụ có công ty cho tiền mua đồ tập thể thao hàng năm (vài nghìn đô), tiền tập Gym, tiền đi học những thứ mình thích, nói chung cũng rất hấp dẫn.

Ngoài ra lúc nhận offer còn thêm có phần thưởng lúc vào công ty (sign on bonus) khoảng vài chục nghìn để tiêu xài ăn chơi mừng công việc mới nữa.

Huy: Anh có thể cho con số cụ thể để các bạn dễ hình dung về việc cổ phiếu được chia ra trong nhiều năm được không? Lấy ví dụ một bạn dev ở Amazon làm lương tầm $300k hay $400k (một năm) thì break down ra như thế nào?

Khiêm: Ví dụ một bạn nhận offer với total compensation $300k ở Amazon, thường có thể chia ra như sau:

  • Lương căn bản $200k.
  • Cổ phiếu được chia ra làm 4 năm theo tỉ lệ 5% cho năm đầu tiên, 15% cho năm thứ 2, và 40% cho năm thứ 3 và 40% cho năm thứ 4. Với cổ phiếu hiện tại giá 3.5k, bạn đó sẽ nhận được tầm 70 cổ phiếu để đảm bảo năm 3, và năm 4 các bạn nhận được khoảng 28 cổ phiếu (để đủ 300k).
  • 2 năm đầu tiên bạn đó sẽ nhận được sign on bonus để đảm bảo nhận được tổng $300k mỗi năm.

Ví dụ năm đầu tiên bạn đó nhận được lương cơ bản là 200k, 3 cổ phiếu (5% của 70), và 90k sign on bonus. Ở Amazon thì không có thưởng hằng năm, bạn sẽ được tăng lương hằng năm.

Ngoài ra do cổ phiếu biến động nên khả năng bạn được tăng thu nhập rất lớn.

Ví dụ sau 2 năm cổ phiếu amazon tăng lên 5 lần, thì thay vì nhận được 100k, bạn sẽ nhận được 500k (nếu điều đó xảy ra)

Huy: Uhm nhìn con số cũng khá là hấp dẫn, vậy còn những năm sau đó thì sao nhỉ? Sau khi đã vested hết 4 năm? Công ty có cho mình gói stock khác không?

Khiêm: Thường thì năm thứ 2 trở đi mình sẽ được top up stock cho năm thứ 5, tương tự vậy... Ngoài ra sau 4 năm thì mình cũng sẽ có nhiều cơ hội thăng chức để cải thiện thu nhập và lương của bạn cũng được tăng hằng năm.

Tuy nhiên do cổ phiếu biến động nhiều nên cũng có nhiều bạn sau 4 năm bị giảm thu nhập. Tất nhiên làm việc ở một công ty nhiều năm thì bạn có nhiều thứ khác ngoài lương, ví dụ ảnh hưởng của bạn với team, kinh nghiệm làm việc, khả năng được lên vị trí cao hơn, v.v...

Huy: Nói đến đây thì em nhớ ra có một topic nữa cũng rất muốn hỏi. Anh nghĩ sao về career path và những đòi hỏi về kĩ năng ở các công ty lớn như Amazon, Facebook? Em có nghe một số người bạn hay than rằng công việc ở những cồng ty lớn thường ít thú vị, điều này có thật không? Thêm nữa, dân làm IT thường chỉ focus vào nâng cao tay nghề kĩ thuật, theo anh thì nếu chỉ thuần túy tập trung vào kĩ thuật thì có đủ để thành công ở những môi trường này không?

Khiêm: Về mặt kỹ năng, lúc phỏng vấn các công ty lớn cũng rất chú trọng về giải thuật và thiết kế, lúc vào làm thì cũng áp dụng nhiều. Ngoài kỹ thuật ra, thì mình nghĩ để tiến được xa thì người lập trình viên phải có tư duy về sản phẩm, xem sản phẩm của công ty là sản phẩm của mình và đóng góp nhiều ý kiến vào cách phát triển sản phẩm, cách cải thiện và giúp đỡ các thành viên khác trong team, ... Các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, trình bày, v.v.. cũng rất quan trọng.

Về career path thì ở cách công ty lớn cũng có các tiêu chí rất rõ ràng, và hằng quý mình sẽ xem xét lại tiêu chí đó để định hướng cho công việc của mình.

Công việc có thú vị hay không thì tuỳ vào team và tuỳ vào thái độ của mình đối với công việc. Như thời gian làm ở Amazon thì mình cũng có những lúc có rất nhiều việc thú vị nhưng cũng có lúc gần như ngồi không, lúc đó mình lại nghĩ ra những thứ khác để làm.

Ngoài kỹ thuật ra thì như mình nói ở trên, tầm nhìn, tư duy về sản phẩm, cách giải quyết vấn đề, kỹ năng mềm ... và nếu chém gió tốt hoặc làm cây hài của team được nữa thì càng tốt.

Nhưng nếu chỉ giỏi về kỹ thuật và không muốn động vào những lĩnh vực khác thì nếu biết cách phát huy thế mạnh của mình bạn cũng có thể thành công theo hướng kỹ thuật.

Huy: Nhiều bạn rất quan tâm đến việc đi ra nước ngoài làm việc, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào, là một người từng đánh đông dẹp tây từ Châu Á tới Châu Mỹ thì anh có thể chia sẻ cho mọi người biết cần chuẩn bị hành trang như thế nào được không? Assuming là người ta không có quá khứ đi thi olympic tin học như a nhé, cho nó khách quan.

Khiêm: Mình thấy trong ngành mình có khá nhiều cơ hội đi nước ngoài

Đi Singapore làm cho các start up nhỏ, thường các start up này tuyển người ở Việt Nam qua các trang online như Angelist, job streets.

Đi Nhật Bản theo dạng onsite cũng là một lựa chọn nhưng các bạn cần biết tiếng Nhật.

Đi làm cho các công ty, tập đoàn lớn ở Singapore, Canada, Úc: Các bạn cần luyện tập leetcode, khả năng giải quyết vấn đề và thiết kế hướng đối tượng.

Tiếng Anh là một kỹ năng không thể thiếu, các bạn cần giao tiếp được, hiểu và có thể trả lời phỏng vấn, sử dụng trong công việc.

Nhu cầu tuyển lập trình viên khá nhiều tại thời điểm này, nên các bạn cần nắm bắt cơ hội. Như riêng team cũ của mình ở Amazon cũng đang tuyển 7 bạn lập trình viên và cũng đang khó khăn trong việc tìm ra người phù hợp. Các bạn có thể ứng tuyển online và phỏng vấn online luôn.

Huy: Ngoài ra thì về CV hay kinh nghiệm cá nhân, có cần chuẩn bị gì không? Và anh nghĩ ở giai đoạn nào thì nên đặt mục tiêu đi nước ngoài? Nhiều ý kiến cho rằng mới ra trường thì chưa nên đi vội mà nên dành ra vài năm tích lũy kinh nghiệm, anh nghĩ sao về quan điểm này?

Khiêm: Theo mình nghĩ thì nên chuẩn bị một cái CV ấn tượng, không cần dài dòng nhưng nêu bật lên được những thành quả mình đã làm được trong quá trình làm việc. Mình thường chuẩn bị CV 1 trang đơn giản nhất có thể. Về thời điểm ra nước ngoài làm việc, mình nghĩ thường các công ty ở nước ngoài sẽ ít khi tuyển fresher trừ khi người đó thật xuất sắc, vì các công ty phải lo chi phí và thủ tục giấy tờ để tuyển một nhân viên ở nước khác, nên họ thường chỉ tuyển các bạn có kinh nghiệm hơn là những bạn mới ra trường.

Huy: Giờ đổi chủ đề tí cho vui nhỉ? Lúc nãy a có nói là cuộc sống ở Canada khá thoải mái, gần gũi với thiên nhiên, vậy ngoài công việc và gia đình ra, anh có dành thời gian cho việc gì khác không? Có ý định quay về làm game không?

Khiêm: Ngoài công việc và gia đình ra thì mình thường chơi Dota 2 sau khi cả nhà đi ngủ, hoặc code thêm những gì mình thích và cả xem phim nữa. Mình cũng thử bỏ Dota 2 mấy lần và mỗi lần bỏ đều thấy rất tự hào về bản thân 😂 hy vọng sang năm mình có thể tiếp tục bỏ tiếp. Mình còn rất thích đi cắm trại, dã ngoại với gia đình, bạn bè, tụ tập ăn uống, hội hè.

Hiện tại thì mình chưa có ý định quay lại làm Game trừ phi có ý tưởng đột phá.

Huy: Chúc anh sớm có ý tưởng đột phá :)) Và rất cảm ơn những chia sẽ của anh trong buổi nói chuyện ngày hôm nay. Chúc anh và gia đình sức khỏe và tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công ở Facebook.


Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi. Hy vọng buổi nói chuyện đem lại được nhiều thông tin bổ ích cho các bạn. Nếu có câu hỏi gì cho anh Khiêm, xin mời các bạn comment ở bên dưới, ngoài ra bạn có thể follow anh ấy tại trang Facebook https://www.facebook.com/khiemtran.coder hoặc đọc thêm một số bài viết khá bổ ích của ảnh tại Medium.

Hẹn gặp lại các bạn trong những bài talk sắp tới (ý là 2 năm nữa nha, jk).