Đọc cái gì, và đọc ở đâu

<- Quay về trang chủ

Hỏi bất kỳ một nhân vật thành công nào về kinh nghiệm để họ thành công, người ta cũng sẽ khuyên bạn phải đi học.

  • Bill Gates sẽ bảo bạn phải đọc thật nhiều sách.
  • Elon Musk sẽ bảo bạn phải tự học và phải thật tham vọng.
  • John Carmack sẽ bảo bạn học thật kĩ toán phổ thông, vì như thế là đã đủ giải quyết các vấn đề của thế giới rồi.
  • Jeff Atwood sẽ khuyên bạn lên StackOverflow để trả lời thật nhiều câu hỏi
  • Uncle Bob sẽ khuyên bạn đọc về SOLID, về TDD, về Clean Architecture, và học cách trở thành một hướng đạo sinh
  • Còn Linus Torvalds thì sẽ bảo: Đậu má mấy thằng code C++, chú cứ đi theo anh, chúng ta sẽ dùng C để cứu thế giới.

OK, vậy chúng ta phải đọc, phải học, tự học thì mới mong có ngày nối gót những nhân vật như thế, thế thì nên đọc cái gì? và học ở đâu?

Có người nói nên tham khảo reading list của những nhân vật lỗi lạc và đọc những gì họ đọc. Cá nhân mình không đồng tình với quan điểm này lắm, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ví dụ như mình có thể xin được việc làm software engineer ở Mỹ khi chỉ có trong tay tấm bằng đại học ở Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ ai ở VN cũng làm theo cách này được, quèo, có lý do, nhưng đó cũng là lý do mà mình chưa bao giờ chia sẽ chuyện xin việc ở Mỹ trên blog này.

Cho nên, đừng nên bắt chước một ai hết. Mà nên biết bản thân mình muốn cái gì.

Rồi, tới đoạn này mình giả sử bạn đã biết mình muốn học cái gì rồi, vậy tiếp theo là tự học như thế nào: Đọc!

Khi đọc về một vấn đề nào đó, có vài nguồn thông tin chính mà chúng ta có thể đọc, đó là:

  • Các bài blog: Đối với các loại nội dung này, chỉ nên đọc để nắm kiến thức cơ bản hoặc khái niệm, để hình thành rõ trong đầu một cái nhìn tổng quan về lĩnh vực mình đang tìm hiểu. Tuyệt đối không đi sâu hoặc sa đà vào kênh này, blog là thứ nội dung chủ quan được viết dựa trên kiến thức của thằng viết, và không có thằng nào khác để kiểm chứng, ai biết được thằng Snacky viết đúng hay sai trên blog của nó .
  • Wikipedia: Thay cho việc đọc blog để nắm tổng quan vấn đề, chúng ta có thể dùng Wikipedia, đây là nguồn thông tin công cộng, và luôn có một cộng đồng những tình nguyện viên đóng góp, chỉnh sửa để đảm bảo nội dung ít bị sai lệch nhất, nhược điểm duy nhất của wiki là, má nó, link tham khảo giữa bài nhiều vô kể, mà mình thì hay có cái tật một khi đã follow ref link rồi thì là quên luôn đường về với cái bài gốc .
  • Official Documents: Là tutorial, manual, API documents được chính các tác giả của thư viện/công nghệ mà bạn đang sử dụng viết ra. Ưu điểm là gì? Là được chính tác giả của nó viết ra, thế còn hỏi. Nhược điểm là gì? Không phải ai cũng có khả năng viết tài liệu một cách mượt mà và dễ đọc, ví dụ như tài liệu của React, phải mất đến gần 7, 8 version thì nó mới trở nên xịn như bây giờ.
  • Papers: Một paper để được đưa ra thì phải trải qua một quá trình review, chỉnh sửa và kiểm chứng kĩ lưỡng, nên chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về độ tin cậy của thông tin. Nhược điểm là rất khó đọc, và luôn đòi hỏi bạn phải có một lượng kiến thức nền tảng nhất định để có thể đọc hiểu được những gì người ta viết trong đó. Và nội dung của một paper có thể rất sâu về một vấn đề, nhưng không bao quá hết toàn bộ một lĩnh vực, vì nếu nó có thể bao quá, nó đã không được gọi là paper.
  • Sách: Cuối cùng, cũng giống như papers, sách cũng là một dạng kiến thức đã được đầu tư nghiên cứu, review, chỉnh sửa, kiểm chứng rất kĩ trước khi được phát hành, và một quyển sách có thể bao hàm toàn bộ mọi ngóc ngách của vấn đề chúng ta muốn tìm hiểu, đây cũng là nguồn kiến thức đáng tin cậy nhất mà chúng ta có thể tìm thấy.

Hy vọng thông qua bài viết "ngắn" này, các bạn đã có được ít nhiều cái nhìn về phương pháp tự học, để có thể tìm cho mình một chiến lược đọc một cách hợp lý nhất. Một lần nữa, không ai biết được Snacky nó viết đúng hay sai, cho nên các bạn đừng ngại tranh luận hoặc bình luận ở trong phần comment cuối bài. Sự nhiệt tình xỉ vả của các bạn là niềm vinh dự cho tác giả bải viết.

Xin cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết sau.