Chia sẻ cùng Viblo trong chuyên mục Raise Women's Voice Up - BeautyOnCode

Năm nay vinh hạnh được team Viblo nhắn mời tham gia chia sẻ cùng chiến dịch Raise Women’s Voice Up 2023 cùng chủ đề “Women-in-Tech’s Inspiring Success Stories” (bài viết của Viblo).

Mình luôn biết ơn Viblo vì đã mang đến nhiều đọc giả cho blog BeautyOnCode, nên đã đồng ý tham gia không cần suy nghĩ ^^ À quên, thực ra có suy nghĩ là mình không phải kiểu câu chuyện thành công nên chỉ ngại mà chia sẻ bậy cho mấy bạn mà thôi :-p 

Vì mình không rõ bên team Viblo sẽ có bao nhiêu nhân vật và sẽ sử dụng bao nhiêu câu trả lời nên mình lưu lại dành riêng tặng các đọc giả trên blog đầy đủ nội dung mà mình đã soạn và gửi đi.

Dưới đây là 11 câu hỏi xoay quanh các nội dung về ý kiến cá nhân trong vai trò là nữ giới đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Câu 1: Chị đã đến với ngành Công nghệ thông tin và công việc hiện tại như thế nào? Có câu chuyện hay lý do thú vị nào chị muốn chia sẻ không? (nếu như chị là người theo đúng ngành CNTT sau khi ra trường)

Hoặc cách chị định hướng ngành nghề và công việc như thế nào? Có sự kiện/hoạt động nào đã làm thay đổi suy nghĩ của chị không? (nếu như chị là người học trái ngành, là non-tech trước khi đến với nghề CNTT)

Mình học đại học ngành CNTT, và từng muốn chuyển sang ngành khác, là thiết kế đồ họa. Rồi làm một thời gian như một người thiết kế mình lại chuyển sang lập trình.

Nên có thể nói mình vừa làm đúng ngành mình học khi ở trường, cũng vừa chuyển từ ngành khác.

Nguyên nhân mình quay trở lại có lẽ là thấy bản thân không đi xa được trong ngành thiết kế, và có bằng đại học CNTT thì đi làm lập trình viên vẫn có nhiều cơ hội xin việc hơn. 

Khi đó, mình chỉ muốn có một công việc để tự nuôi sống bản thân mà thôi.

Câu chuyện thú vị: Lúc đi phỏng vấn

– Khi đi phỏng vấn với vị trí lập trình viên, người ta làm test chỉ 2 giờ nhưng mình ngồi làm đến 4 giờ vẫn chưa chịu đi về, nhất quyết đòi làm cho xong bài dù biết rớt chắc rồi.

– Còn công ty mình làm hiện tại thì các anh hỏi gì mình cũng trả lời là chưa biết. Rồi mấy anh hỏi nếu không đậu thì làm gì, mình bảo mình cứ đi dạy tiếng anh rồi tiếp tục ôn luyện xin việc cho đến khi có chỗ làm mới thôi. 

Câu 2: Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài học làm nghề mà chị thấy đáng nhớ nhất, hoặc mang lại cho chị một kỷ niệm quý giá nhất được không?

Dự án đầu tiên của mình có thể gọi là thất bại trong chuyện làm việc đội nhóm. Các ngày làm việc hầu như đều OT sau 7g tối, ngày release thì có hôm đến tận 12g đêm. Mình luôn trong trạng thái tinh thần áp lực, mệt mỏi. 

Tuy nhiên, vì đó là dự án đầu tiên, nên mình không hề dám than một lời. Chị leader cũng lần đầu tiên làm tech lead, cũng muốn dự án phải thành công. Chị BA cũng lần đầu tiên làm BA, cũng muốn mọi thứ hoàn hảo nhất, mà bắt bug đến từng px, danh sách bug thì đến mấy chục trang doc. 

Sự hoàn hảo đó đã trở thành thảm họa.

Không anh quản lý hay giám đốc nào biết gì khi nào cũng báo cáo dự án ổn. 

Rồi cũng đến lúc mọi chuyện vỡ lỡ, khi những tin nhắn khó chịu xuất hiện trên slack, những dòng tin in hoa mà đọc vào là hiểu ngay dự án này có vấn đề. 

Đã có sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng mọi chuyện là kết thúc khá đột ngột với dự án dừng giữa chừng và một tinh thần hoang mang là mình vừa mừng vừa vui khi ra khỏi dự án.

Bài học làm nghề mình nhớ nhất là phải thật rõ ràng trong công việc, hạn chế tối thiểu các thông tin bị che giấu đằng sau. 

Dù bạn là người mới vào nghề bạn cũng là một thành viên của team, sức khỏe tinh thần của bạn là sức khỏe của team. 

Hãy bảo vệ chính mình.

Câu 3: Quan điểm của chị: phụ nữ tại Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển của ngành công nghệ tại nước ta trong thế kỷ 21? Đã có những sự thay đổi nào đáng kể diễn ra hay không?

Câu này mình xin phép không trả lời chi tiết, vì mình không tìm hiểu nhiều về những đóng góp của nữ giới trong ngành công nghệ thông tin, chủ yếu mình đọc về công nghệ mà mình làm việc ^^.

Tuy nhiên, mình có thể thấy thực tế là đã có một lực lượng lao động trong ngành CNTT là nữ, tỉ lệ này ở công ty mình là từ 20-30%, trong đó có rất nhiều bạn, chị nữ làm lập trình viên, BA/QA, PM với kinh nghiệm làm việc từ 5 đến 15 năm.

Các techlead cũng bắt đầu có nhiều nữ nha, đó làm những bằng chứng cho thấy có sự góp mặt rõ ràng hơn của chị em trong các vai trò khó nhằn.

Câu 4: Quan điểm của chị về những khó khăn, thách thức mà phụ nữ đã, đang và sẽ gặp phải trong ngành công nghệ. Chị có thể chia sẻ lời khuyên nào giúp phụ nữ có thể dễ dàng và tự tin vượt qua chúng không?

Đầu tiên, mình muốn chia sẻ một vài thông tin từ bài viết mình từng viết về nữ giới trong lĩnh vực STEM:

Về khó khăn và thách thức:

– Quy định của xã hội và truyền thống về nữ giới

– Các định kiến về giới như phân ban khoa học tự nhiên giành cho nam, ban xã hội giành cho nữ, hay mặc định nam giới sã theo đuổi khoa học kỹ thuật còn nữ giới sẽ theo đuổi nhân văn, nghệ thuật.

– Có sự phân biệt đối xử qua nhiều hình thức như  trả lương thấp hơn nam giới, coi thường năng lực vì giới tính, ít nhận được sự quan tâm từ cấp lãnh đạo, dễ gây điều tiếng hơn (thậm chí  là điều tiếng từ chính giới nữ).

– Thực tế cho thấy là nữ giới ít lên tiếng bảo vệ chính giới của mình.

Lời khuyên cá nhân: Mỗi ngày mình đều như mọi người, đều ở trong xã hội và là một thành phần tạo ra tất cả các vấn đề của nó. Vì thế, những lời khuyên này vô cùng cá nhân, bạn tham khảo thui nha.

Để vượt qua rào cản, cách đơn giản và tốt nhất là không để rào cản ảnh hướng đến mình. Các rào cản này nó giống như lực ma sát vậy, bạn cần làm những điều mà có thể chiến thắng những lực ma sát này. Nếu bạn có thể xem tất cả đều không phải là rào cản, thì là bạn không có lực ma sát nào cả.

Về mặt thể chất, nữ giới cần thực sự phấn đấu nỗ lực và tìm cho mình môi trường phù hợp.

Nơi mà bạn có thể cống hiến hết mình, nơi bạn có thể xin nghỉ ngơi khi cần, nơi những đồng nghiệp thực sự nhìn bạn như một con người bình đẳng với họ, cũng như cho bạn nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Và mình biết có rất nhiều môi trường như vậy, và càng có nhiều môi trường như vậy hơn. 

Hãy tìm nó.

Nếu bạn đủ giỏi, bạn có thể chọn đi hay ở, có thể chọn gắng bó hay buông tay. Khi bạn chủ động thì rào cản không thành vấn đề gì đâu.

Về vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống, thì người nữ cần sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, người đồng hành cùng (chồng, người yêu) rất nhiều. 

Hãy chọn lựa người phù hợp với mình.

Câu 5: Chị có biết dự án công nghệ nào có sự tham gia của nữ giới đã đạt được thành công, ghi dấu ấn trên thế giới không? Quan điểm của chị: đặc điểm nào (về tính cách, kỹ năng) của những người phụ nữ này có sức ảnh hưởng tới thành công của dự án đó?

Huyền Chip – chị ấy là tác giả của rất nhiều cuốn sách nổi tiếng bán chạy nhất Việt Nam như “Xách ba lô lên và đi”. Trước khi sang Mỹ, chị từng giúp ra mắt trình duyệt Cốc Cốc.

Chị Huyền học đại học Standford sau đó đi làm cho các công ty lớn về tech như Netflix, NVIDIA. Hiện tại đang làm cho một startup tên Snorkel. 

Chị ấy đã đạt nhiều thành công trong lĩnh vực khoa học máy tính như là top 10 người làm trong lĩnh vực data có tầm ảnh hưởng nhất toàn cầu. 

Gần đây chị đã xuất bản cuốn sách “Designing Machine Learning Systems đạt top 1 bán chạy nhất trên Amazon về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Quan điểm cá nhân:

Mình hâm mộ những người như chị Huyền, và mình biết rõ đằng sau những thành công vang dội luôn là những câu chuyện không biết kể cùng ai. 

Mình thấy những người phụ nữ thành công trong các lĩnh vực đều rất cá tính, có niềm tin vô cùng mạnh mẽ với những điều mình làm, không hề e sợ thất bại. 

Một đặc điểm nữa họ đều là những con người học suốt đời và vô cùng khiêm tốn.

Câu 6: Quan điểm của chị về vai trò của phụ nữ trong việc cân bằng giới, thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng giới trong lĩnh vực công nghệ.

Chị em nên hỗ trợ nhau và bớt nhiều chuyện lại và tập trung học công nghệ đi ạ.

Câu 7: Chị đã từng tưởng tượng tương lai của ngành công nghệ thông tin sẽ như thế nào chưa? Cách phụ nữ đóng góp cho công nghệ trong tương lai có thể được xây dựng bằng hành động nào ở hiện tại?

Ngành công nghệ vẫn là ngành đang hot nhất hiện nay dù có nhiều tin tức về sa thải trên toàn thế giới. 

Việt Nam là một nước gia công công nghệ với chất lượng lập trình viên ngày càng được đánh giá tốt hơn, và luôn có nhiều cơ hội việc làm bởi sự chênh lệch về tiền lương cao khi thuê dev ở các thị trường như Nhật, Hàn, Sing đều cao hơn so với ở Việt Nam.

Cộng thêm văn hóa làm việc từ xa (remote work) đã phổ biến từ sau đại dịch tạo ra nhiều cơ hội để mình làm việc ở những công ty toàn cầu từ xa, càng tăng cơ hội cho lập trình viên Việt.

Tương lai vẫn không thiếu việc làm ^^ Tuy nhiên đặc điểm của ngành công nghệ là thay đổi liên tục cũng dễ khiến con người mệt mỏi. Để không bị tụt hậu và sống với ngành, thì việc cập nhật và thay đổi thường xuyên là tất yếu.

Câu 8: Theo chị việc học tập, bồi dưỡng khả năng của bản thân quan trọng như thế nào? Chị có thể chia sẻ một số nguồn tài liệu, hay khóa học nào có thể giúp ích cho các bạn nữ đang muốn nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ được không?

Như câu trên thôi ạ, để bảo vệ việc làm và để tìm được việc, bạn cần mang lại giá trị cho doanh nghiệp và khách hàng của họ. Bạn có thể xem sức lao động là một sản phẩm, làm sao bạn có thể bán sức lao động này với giá tốt nhất? Câu hỏi này gửi lại cho bạn.

Một số nguồn tài liệu về công nghệ web:

Mình có viết rất nhiều bài về các nguồn tài liệu, bạn ghé đọc ở chuỗi bài viết ‘150 bài viết ngắn về công nghệ‘ trên Viblo nhé.

Câu 9: Xung quanh chị có nhiều người phụ nữ “không code”, nhưng vẫn ghi được dấu ấn trong ngành. Chị có thể dành lời khuyên cho những bạn nữ muốn làm việc trong lĩnh vực CNTT, nhưng không phải là Developer được không?

Nếu bạn làm trong lĩnh vực CNTT, dù không phải dev thì bạn cũng sẽ cần kiến thức về công nghệ nha. Hẳn mọi người đang nghĩ code là cái gì cao siêu ghê lắm, thực tế thì không phải vậy, hẳn là mấy anh dev hù các bạn ghê quá đó thôi ^^.

Bạn có thể ghé blog của mình để đọc vài bài sẽ thấy dev nó cũng vui và thú vị nha. 

Bên cạnh tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc, thì bạn sẽ cần một số ngôn ngữ kỹ thuật để có thể nói chuyện hay hiểu những câu chuyện về kỹ thuật. 

Một số khóa học dành cho người tìm hiểu về kỹ thuật như CS50, hay học về UI/UX, SQL, git … sẽ hỗ trợ cho công việc. Bạn cứ thử xem có khi lại chuyển sang làm dev như mình cũng nên ấy.

Câu 10: Thương hiệu cá nhân có quan trọng với chị không? Chị có muốn gây dựng và phát triển thương hiệu của bản thân trong ngành không? Nếu có, chị dự định sẽ thực hiện như thế nào?

“Thương hiệu cá nhân” nghe nó to thiệt thì chắc là quan trọng chứ ^^

Chị đã và đang xây dựng một thương hiệu riêng cho mình, đó chính là BeautyOnCode. 

Từ khi có blog chị siêng năng hơn trong việc tìm hiểu và chia sẻ, cũng nghiêm túc hơn trong công việc. Quá trình viết cũng thú vị lắm, làm sao viết cho người không biết gì về công nghệ cũng hiểu được, đó cũng là một thử thách.

Càng viết blog mình lại thấy mình chả ra làm sao cả ^^ Cái gì cũng biết nửa mùa có hôm ngồi định viết một chủ đề đã làm nhưng nghĩ qua nghĩ lại lại không viết được dòng nào, cuối cùng lại đi học lại để viết. Đó là lý do vì sao chị viết ít bài như vậy.

Từ ngày viết chuỗi bài viết ngắn, một động lực nữa là cập nhật tin để có nội dung viết, và điều này làm mình khá quen với việc đọc và lọc các tin tức hay video.

Về tương lai, chị vẫn cứ duy trì công việc viết blog như là công việc partime-job và tiếp tục học các công nghệ mới và các kiến thức máy tính nền tảng.

Câu 11: Dù có là một người quán xuyến, chu toàn như thế nào, phụ nữ cũng không bao giờ nên quên chăm sóc bản thân, trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Chị có lời khuyên nào để phụ nữ vừa cân bằng được cuộc sống, công việc, vừa dành thời gian cho bản thân không?

Chị gần đây có chia sẻ đến mọi người 4 bước để có thể học và viết trong thời gian dài (ở đây).

Bốn bước gồm:

– 01. Làm tốt công việc của bạn

– 02. Hỗ trợ đồng nghiệp, chia sẻ kiến thức

– 03. Đọc, học hàng ngày, hàng tuần

– 04. Yêu thích công việc bạn làm và cứ thoải mái thôi (take it easy)

Bạn có thể thấy điểm quan trọng là yêu thích công việc, sống một cuộc sống đơn giản sẽ đỡ áp lực, làm những công việc nho nhỏ hàng ngày, chăm sóc bản thân và người xung quanh. 

Chúc các chị em một ngày 8/3 thật vui và ý nghĩa.